Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo hình thức lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa khuyến nghị người dân cảnh giác trước 4 hình thức lừa đảo trực tuyến trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo Cục An toàn thông tin, gần Tết Nguyên đán 2024 là khoảng thời gian được chuyên gia nhận định sẽ gia tăng mạnh các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Do vậy, cơ quan này đã đưa ra một số khuyến cáo với người dân như sau:
Doanh nghiệp Việt cần cảnh giác trước bẫy lừa đảo thương mại quốc tế
Được biết, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt đã gặp rủi ro khi kinh doanh xuất khẩu đối với các đối tác tại thị trường Âu - Mỹ. Mặc dù đã có cảnh báo nhưng số lượng vụ lừa đảo vẫn không giảm.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này được đưa ra là do doanh nghiệp Việt còn chủ quan, sơ hở trong tiếp cận, soạn thảo điều khoản hợp đồng và cam kết. Bên cạnh đó, đa phần doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp nhỏ, vừa, thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế.
Do đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo doanh nghiệp Việt: Khi nhận được những đề nghị lạ cần xác minh rõ ràng thông tin của đối tác. Ngoài Thương vụ Việt Nam tại các thị trường quốc tế, doanh nghiệp có thể liên hệ với Đại sứ quán của các nước tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để được hỗ trợ.
Xuất hiện các nhóm lừa đảo "thu hồi nợ treo"
Hiện trên Facebook, các hội nhóm có tên ‘Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo’, ‘Lấy lại tiền bị lừa qua mạng’… xuất hiện tràn lan, kèm theo đó là các website lừa đảo với hình thức tương tự các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an. Phía dưới bài đăng là hàng loạt tin nhắn bình luận có nội dung "đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết".
Tuy nhiên, đây hoàn toàn là kịch bản được các đối tượng lừa đảo dàn dựng nhằm thu hút sự quan tâm, đánh vào tâm lý người dân muốn thu hồi nợ.
Sau khi tạo lòng tin bằng việc giới thiệu mối quan hệ thân thiết với cơ quan chức năng, các đối tượng yêu cầu người dùng gửi giấy tờ chứng minh bị lừa cùng tiền phí khoảng 3-5 triệu.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác và trang bị kiến thức để bảo vệ mình trên không gian mạng. Đồng thời, không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai cũng như chuyển tiền khi không xác định được danh tính người nhận. Trong trường hợp bị lừa đảo, người dân cần nhanh chóng liên hệ cơ quan công an gần nhất để trình báo.
Cuộc gọi giả mạo cán bộ Công an
Nhiều đối tượng đã mạo danh là cán bộ Công an gọi điện với nội dung là yêu cầu người dân đang vướng phải một vụ rửa tiền, buôn bán ma túy khiến người dân lo lắng. Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân kê khai tài sản, cung cấp thông tin từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân.
Theo đó, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi lạ; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.
Chiêu bán hàng giả trên sàn thương mại điện tử
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được chào mời, bày bán tràn lan trên thị trường ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự lành mạnh của thị trường.
Theo đó, các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại để liên lạc với người mua và chia nhỏ số tiền sang nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau. Sau đó, đối tượng giả làm nhà xe yêu cầu người mua chuyển tiền cọc hoặc thanh toán toàn bộ tiền hàng trước khi giao hàng.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng khi giao dịch hàng hóa trên các trang mạng xã hội và cả sàn thương mại điện tử. Người dân nên lựa chọn những nền tảng uy tín, có đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, khi mua bất kỳ mặt hàng trực tuyến nào người tiêu dùng cần tham khảo thêm giá cả sản phẩm, nhận xét, đánh giá của người mua trước, hoặc liên hệ trực tiếp với nhà bán hàng để hỏi đáp các thắc mắc.