Bộ Công Thương | Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Minh bạch trong quản lý để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng

Tham dự và phát biểu ý kiến tại Diễn đàn "Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu" vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (TMĐT), Cục TMĐT và Kinh tế số đã chia sẻ những thông tin quan trọng về sự phát triển và những thách thức của thị trường TMĐT Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay.

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo ông Nguyễn Văn Thành, trong giai đoạn gần đây, TMĐT tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, với sự bứt phá của các nền tảng như Shopee, Tiki, Lazada...Cụ thể, tại Việt Nam, quy mô ngành thương mại điện tử bán lẻ đã tăng trưởng 20%, từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên khoảng 16,4 tỷ USD năm 2022, với 57-60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm vừa qua (theo số liệu Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022).

Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7,2% - 7,8%, gấp đôi so với thời điểm cách đây 5 năm. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như vậy, một trong những thách thức quan trọng là khả năng quản lý. Ông Thành cho rằng, sự minh bạch trong quản lý sàn TMĐT cần được cải thiện để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng. "Người tiêu dùng ngày càng chú ý đến sản phẩm xanh sạch và thân thiện với môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp TMĐT để thích ứng và đáp ứng nhu cầu này", ông Thành nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT cho biết, các nền tảng như Lazada, Shopee, Tiki đã bắt đầu hình thành một hệ sinh thái thương mại bền vững, từ xây dựng nền tảng, vận chuyển đến thanh toán trực tuyến, điều này giúp đơn giản hóa quá trình mua sắm cho người tiêu dùng.

Thị trường TMĐT Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề hàng giả, hàng nhái đến vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, vấn đề không cân đối trong thị trường thương mại điện tử giữa thành thị và nông thôn, khiến thị trường trở nên không đồng đều.

"Hiện các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai thành phố này chiếm khoảng 70% dân số bán lẻ trực tuyến trên toàn quốc, còn lại 61 tỉnh thành chỉ chiếm dưới 30%, tỷ lệ này là rất nhỏ. Điều này khiến thị trường giữa các tỉnh thành phố hiện đang không cân xứng", ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Diễn đàn “Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu” được tổ chức ngày 23/11 tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu, dự kiến có sự tham gia của Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Công Thương địa phương, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương; Lãnh đạo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp…

Tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia sẽ thảo luận, đánh giá cơ hội và thách thức trong thúc đẩy kết nối cung - cầu, các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, chia sẻ các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó với khó khăn, đồng thời tận dụng cơ hội trong thời gian tới, đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu, tạo động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tin tức khác

Liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng

Liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử dẫn dắt sự phát triển của toàn vùng

Từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành luôn quan tâm, cụ thể hóa chính sách giúp thúc đẩy các thể chế về liên kết vùng được hoàn thiện và ngày càng phát huy hiệu quả.
Phân khúc giá rẻ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn trên các sàn thương mại điện tử

Phân khúc giá rẻ tiếp tục duy trì sức hấp dẫn trên các sàn thương mại điện tử

Với tình hình kinh tế hiện nay, thắt chặt chi tiêu vẫn là tiêu chí được nhiều gia đình áp dụng. Vì vậy, người tiêu dùng thường ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền.
Amazon
Alibaba
Google
OSB
Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Ngoại thương Hà Nội
Đại học Thương mại Hà Nội