Bộ Công Thương | Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Thương mại điện tử xanh tại Việt Nam vẫn gặp khó

Thiếu quy định, doanh nghiệp không mặn mà với hoạt động bảo vệ môi trường... đã khiến cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn khó chuyển đổi xanh.

Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) ước tính, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của thương mại điện tử (TMĐT) trong giai đoạn 2024 – 2030 đạt trên 20% và đạt quy mô khoảng 90 tỉ USD vào năm 2030.

Dù mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế song ngành này đang tạo ra nhiều áp lực cho môi trường.

Đơn cử lượng rác thải nhựa trong quá trình đóng gói, hay khí thải từ giao hàng phát sinh trong hoạt động TMĐT đang gia tăng theo tốc độ phát triển của ngành.

Thương mại điện tử xanh còn khó thực hiện

Mới đây, nhóm tác giả thuộc VECOM cùng nhóm tác giả thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) đã ra mắt báo cáo về Bộ tiêu chí TMĐT xanh - ECGI.

Trong báo cáo này, các nhà nghiên cứu cho biết, tổng thể chính sách vĩ mô đối với các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) và phát triển bền vững đang tạo điều kiện thuận lợi để TMĐT xanh có thể phát triển.

Tuy nhiên, để thực thi quá trình xanh hóa còn rất nhiều khó khăn, một phần đến từ các chính sách liên quan trực tiếp tới phát triển TMĐT chưa gắn với yêu cầu BVMT.

Cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan tới TMĐT hầu như chưa có các quy định về BVMT, mà chỉ chủ yếu giới hạn kinh doanh một số sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục cấm và hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Chưa kể, thiếu sự phối hợp hành động giữa các bên liên quan như quản lý nhà nước về TMĐT, logistics, bưu chính, môi trường, doanh nghiệp, người tiêu dùng...

Đáng chú ý, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chưa nhiệt tình với hoạt động BVMT do nhận thức chưa cao, chi phí kinh doanh tăng lên và chưa có các quy định pháp luật cụ thể.

Điều này cũng tác động tới các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT xanh còn thấp, rời rạc.

Muốn thương mại điện tử xanh cần rất nhiều chi phí và nguồn lực

Để tháo gỡ khó khăn này, nhóm nghiên cứu đã thông qua ECGI để triển khai các bộ tiêu chí và lộ trình từng bước chuyển đổi thương mại điện tử xanh.

Bộ tiêu chí nhằm giúp các doanh nghiệp xác định được toàn diện, nhanh chóng, cụ thể các hoạt động cần triển khai để thân thiện với môi trường. Từ đó nâng cao uy tín, hiệu quả kinh doanh với người dùng và đối tác, nhất trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới mua sắm từ các thương hiệu thân thiện với môi trường.

Bộ tiêu chí được chia làm 6 tiêu chí lớn với 19 tiêu chí thành phần.

Nhóm tiêu chí thứ nhất là cam kết triển khai TMĐT xanh theo mô hình bền vững. Trong tiêu chí này, đơn vị nghiên cứu đề xuất các thương nhân và doanh nghiệp kinh doanh TMĐT cần đưa ra cam kết rõ ràng về kinh doanh TMĐT xanh theo mô hình bền vững.

Nhóm tiêu chí thứ hai là hàng hóa, với hai tiêu chí thành phần: Quảng cáo kinh doanh hàng hóa môi trường bị pháp luật cấm kinh doanh; tuân thủ các điều kiện đối với hàng hóa môi trường mà pháp luật hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Nhóm tiêu chí thứ ba là dịch vụ hoàn tất đơn hàng. Cụ thể gồm các tiêu chí nhỏ: Không sử dụng bao bì, vật liệu, dụng cụ nhựa bị pháp luật cấm sử dụng; hạn chế sử dụng bao bì, vật liệu, dụng cụ nhựa và các sản phẩm liên quan tới dịch vụ hoàn tất đơn hàng tác động xấu tới môi trường.

Ưu tiên đóng gói thân thiện môi trường; hoạt động quản lý kho và giao hàng thân thiện môi trường; hoàn trả hàng thân thiện môi trường, chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.

Nhóm tiêu chí thứ 4 là hỗ trợ người dùng tham gia BVMT bằng cách khuyến khích, hỗ trợ khách không dùng hoặc giảm sử dụng dụng cụ nhựa dùng một lần. Ngoài ra, cần hỗ trợ người dùng chọn hình thức giao hàng giảm phát thải carbon, hỗ trợ người dùng phản hồi về hoạt động BVMT của thương nhân.

Nhóm tiêu chí thứ 5 là cam kết xanh hóa các hoạt động nội bộ. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cần có chính sách BVMT, cần tiết kiệm năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong hoạt động nội bộ.

Cuối cùng là nghiên cứu và triển khai các hoạt động thúc đẩy xanh theo mô hình bền vững. Trong đó cần nghiên cứu triển khai kinh tế tuần hoàn, triển khai bộ quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong TMĐT tại Việt Nam. Đồng thời người hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cũng cần tìm hiểu và triển khai bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI.

Bộ tiêu chí cũng nhấn mạnh, để thực hiện TMĐT xanh, doanh nghiệp, thương nhân có thể triển khai bộ tiêu chí theo 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu thực hiện tiêu chí 1 và 2, giai đoạn 2 triển khai nhóm tiêu chí 3, giai đoạn 3 triển khai nhóm tiêu chí 4 và 5.

Cuối cùng là triển khai giai đoạn 4 thực hiện nhóm tiêu chí 6, điều này cần đòi hỏi nhận thức và nguồn lực triển khai cao.

"Do đó, chỉ nên bắt đầu giai đoạn này sau khi đã triển khai các giai đoạn trên"- nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Tin tức khác

Dự thảo Luật Thương mại điện tử: Cấp thiết định danh người bán hàng

Dự thảo Luật Thương mại điện tử: Cấp thiết định danh người bán hàng

Tại Dự thảo Luật Thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Công Thương đang đưa ra một số quy định về trách nhiệm của người bán trên nền tảng TMĐT...
Shopee tôn vinh sản phẩm địa phương và xuất khẩu trực tuyến

Shopee tôn vinh sản phẩm địa phương và xuất khẩu trực tuyến "giá trị Việt"

Shopee tôn vinh sản phẩm địa phương và xuất khẩu trực tuyến “giá trị Việt”. Shopee đã giới thiệu nhiều sáng kiến trách nhiệm xã hội nổi bật trong năm 2024.
Thông tin về vụ việc kẹo rau củ Kera

Thông tin về vụ việc kẹo rau củ Kera

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera, đặc biệt là vấn đề về cung cấp thông tin và trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong cung cấp thông tin về sản phẩm tới người tiêu dùng.
Amazon
Alibaba
Google
OSB
Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Ngoại thương Hà Nội
Đại học Thương mại Hà Nội