Bộ Công Thương | Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Phát triển thương mại điện tử bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Vấn đề rác thải nhựa trong thương mại điện tử đã được nhận diện từ nhiều năm trước. Vì vậy, Cơ quan quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực này khởi xướng tầm nhìn phát triển thương mại điện tử bền vững và triển khai nhiều hoạt động gắn với bảo vệ môi trường.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022. Dự kiến, năm 2025, quy mô thị trường sẽ tăng lên 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan, trong đó, không thể phủ nhận sự tăng trưởng nhanh của lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ đã tác động tiêu cực tới môi trường, đặc biệt là phát sinh lượng lớn rác thải nhựa.

Thương mại điện tử sử dụng 171.000 tấn rác thải nhựa năm 2023

Theo Báo cáo chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam thực hiện, trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam, một trong những tác động tiêu cực lớn nhất của thương mại điện tử tới môi trường là làm tăng lượng rác thải bao bì.

Cụ thể, đối với ngành quần áo, thời trang, phụ kiện, có đến 90% thương nhân sử dụng hộp carton, túi nilon để đóng hàng. Phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nilon bong bóng khí, với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%; hầu hết đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa. Đối với đồ ăn công nghệ, hầu như tất cả bao bì và vật liệu đi kèm như dao, thìa, dĩa… là nhựa. Khối lượng bao bì trung bình cho mỗi đơn đồ uống là 45g và đồ ăn là 63g…

Thương mại điện tử sử dụng 171.000 tấn rác thải nhựa năm 2023

Cũng theo WWF Việt Nam, năm 2023, ước tính thương mại điện tử Việt Nam sử dụng 332.000 tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171.000 tấn. Quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói rất cao, nguyên nhân chính bởi rất rẻ và nhẹ nên tiết kiệm chi phí chuyển phát so với việc đóng gói bằng hộp carton.

Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800.000 tấn, WWF Việt Nam dự báo. Khi đó, tác động xấu tới môi trường không chỉ dừng ở khối lượng rác thải nhựa mà còn ở vị trí của rác thải. Theo đó, phần lớn thương mại điện tử tập trung ở các địa phương ven biển hoặc sông lớn chảy ra biển, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang. Do hầu hết rác thải nhựa từ thương mại điện tử chưa được thu gom, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường nên tỷ lệ đáng kể rác thải này sẽ đổ ra biển.

Mục tiêu trong giai đoạn 2026 – 2030, tỷ lệ sản phẩm sử dụng bao bì nhựa giảm xuống tối đa 50%

Vấn đề rác thải nhựa trong thương mại điện tử đã được nhận diện từ nhiều năm trước. Theo đó, Cơ quan quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực này khởi xướng tầm nhìn phát triển thương mại điện tử bền vững và triển khai nhiều hoạt động gắn với bảo vệ môi trường.

Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Theo đó, từ 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường; giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa; tiến tới sau 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Quy định này sẽ tác động trực tiếp tới tất cả các sàn thương mại điện tử cùng hàng trăm nghìn thương nhân kinh doanh trực tuyến.

Dù vậy, Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử và thương nhân vẫn chưa biết đến quy định này để có kế hoạch phù hợp nhằm sử dụng bao bì, vật liệu thay thế.

Tại Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 diễn ra mới đây, ông Hoàng Ninh - Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, mục tiêu trong giai đoạn này sẽ đưa tỷ lệ sản phẩm sử dụng bao bì nhựa giảm xuống tối đa 50%; tỷ lệ sản phẩm sử dụng bao bì là chất liệu có thể tái chế đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn đóng gói xanh đạt ít nhất 50%.

Đây là những mục tiêu rất tham vọng, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của nhiều bên liên quan.

Để giảm thiểu rác thải nhựa trong thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu là cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật có liên quan để nâng cao nhận thức của cả phía doanh nghiệp, các thương nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cũng như người tiêu dùng.

Mặt khác, cần khuyến khích người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử xanh, mua sản phẩm có nhãn xanh, nhãn sinh thái trên các nền tảng thương mại điện tử. Về phía Cơ quan quản lý vận động các nền tảng thương mại điện tử và các doanh nghiệp chuyển phát nhanh triển khai các hành động cụ thể giảm phát thải nhựa, thông qua công tác tuyên truyền trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tin tức khác

Sắp diễn ra Diễn đàn Kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024  (ECCDF 2024)

Sắp diễn ra Diễn đàn Kết nối và phát triển thương mại điện tử 2024 (ECCDF 2024)

Dự kiến, Diễn đàn có sự tham gia của 500 đại biểu đến từ các Bộ, ban ngành, địa phương; Các tổ chức quốc tế (Đại sứ quán, Thương vụ của một số quốc gia châu Á tại Việt Nam); Các hiệp hội, doanh nghiệp tại Việt Nam và khu vực châu Á; Các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước.
Thanh toán xuyên biên giới là xu hướng của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán xuyên biên giới là xu hướng của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán xuyên biên giới là sự mở rộng tất yếu của đổi mới tài chính số nhằm bắt kịp nhu cầu giao dịch, thanh toán của người dân và nền kinh tế. Dự kiến, Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động thanh toán xuyên biên giới ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.
Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới

Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử xuyên biên giới

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nói chung, Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp.
Amazon
Alibaba
Google
OSB
Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Ngoại thương Hà Nội
Đại học Thương mại Hà Nội