5 xu hướng thương mại điện tử định hình thị trường Đông Nam Á năm 2025
Vài năm qua, ngành thương mại điện tử đã chứng kiến nhiều thay đổi nhanh chóng và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng…
Bất chấp những khó khăn ngày càng tăng, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á ghi nhận doanh thu dự kiến đạt 116,5 tỷ USD trong năm 2024, theo Tech Collective.
Khi ngành công nghiệp phát triển, xu hướng thương mại điện tử ở Đông Nam Á cũng dần thay đổi. Nhiều chuyên gia cho rằng, một số xu hướng thương mại điện tử sau đây sẽ định hình ngành công nghiệp của khu vực.
Sự trỗi dậy của B2B2C
Các nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn từ trước đến nay đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận người tiêu dùng ngoài trung tâm dân cư lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận nhóm người tiêu dùng này mang đến cơ hội tăng trưởng lớn cho nhà bán lẻ khu vực.
Trong tương lai, nhà bán lẻ sẽ ngày càng phụ thuộc vào mô hình B2B2C để tiếp cận khách hàng thông qua việc hợp tác với thương nhân địa phương. Mô hình này sở hữu tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế địa phương, hỗ trợ nhà bán lẻ thương mại điện tử lớn mở rộng quy mô. Đồng thời tạo cơ hội cho thương nhân địa phương tham gia phát triển thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng loạt sản phẩm đa dạng với giá cả cạnh tranh hơn.
Chẳng hạn, nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc hiện tại dựa vào mô hình B2C với tỷ suất lợi nhuận 10%. Tuy nhiên, hợp tác với nền tảng địa phương tại Việt Nam để xử lý giao hàng và trả hàng chặng cuối có thể giúp nâng cao lợi nhuận trung bình lên 15%.
Tối ưu mạng lưới logistics
Logistics vẫn là một trong những yếu tố thách thức lớn nhất đối với sự phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Ví dụ như Indonesia, quốc gia trải rộng trên hàng trăm hòn đảo và phần lớn dân cư sinh sống ở các khu vực xa xôi, rải rác trên diện tích đất rộng lớn. Cơ sở hạ tầng hiện tại gây khó khăn trong việc lưu kho và chuyển phát với mức giá hợp lý.
Lúc này, một số nhà cung cấp dịch vụ logistics địa phương có cơ hội trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế khi phát triển thành công mạng lưới logistics hiệu quả.
Thương mại xã hội có thể tái định nghĩa thương mại điện tử
Thương mại điện tử giờ đây có một "người anh em" mới, đó là thương mại xã hội (social commerce). Phương thức bán hàng này ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á trong những năm gần đây. Các nền tảng mua sắm trực tuyến tận dụng mạng lưới xã hội của người dùng để mở rộng phạm vi tiếp cận, đồng thời xây dựng niềm tin đối với sản phẩm bán.
Tại Việt Nam, một nền tảng thương mại xã hội đã trở thành một trong năm công ty thương mại điện tử hàng đầu về thị phần. Để thúc đẩy sự phát triển này, TikTok cũng ra mắt nền tảng mua sắm tại Việt Nam với những mục tiêu đầy tham vọng.
Influencer có vai trò quan trọng trong việc tăng nhận diện thương hiệu, tạo sự tin cậy với đối tác và khách hàng, tăng chuyển đổi bán hàng.
Các nhà bán lẻ nhận thấy nền tảng thương mại xã hội có hai lợi thế quan trọng so với nền tảng truyền thống. Thứ nhất, thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn thông qua influencer (người có tầm ảnh hưởng). Thứ hai, người tiêu dùng có xu hướng ít nhạy cảm với giá cả hơn khi mua sắm dựa trên một số yếu tố xã hội.
Do vậy, những nền tảng này sẵn sàng tác động đáng kể đến ngành công nghiệp thương mại điện tử trong vài năm tới.
Đối tác hỗ trợ mới
Tạo ra sản phẩm là một chuyện, nhưng bán sản phẩm lại là câu chuyện khác. Đó là lý do mà một thế hệ công ty hỗ trợ thương mại điện tử (eCommerce enablers) mới đang xuất hiện. Nhóm công ty này giúp thương hiệu quảng bá sản phẩm, xây dựng và quản lý cửa hàng trực tuyến, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng, giải quyết vấn đề và một số dịch vụ khác.
Những đối tác hỗ trợ này có thể giúp tạo ra hoặc phá vỡ một thương hiệu, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ngày nay. Các thương hiệu cần có khả năng hiển thị trực tuyến để tạo lực kéo và nhu cầu cho sản phẩm. Điều này yêu cầu sự chuyên môn hóa cao mà đối tác hỗ trợ sẵn sàng cung cấp.
Các "influencer" môi trường, một loại đối tác hỗ trợ thương hiệu, có thể giúp người tiêu dùng ý thức bảo vệ môi trường khi lựa chọn sản phẩm phù hợp. Một số tên tuổi lớn trong lĩnh vực này bao gồm aCommerce, Great Deals, Synagie, và SCI eCommerce.
Huy động vốn để thúc đẩy tăng trưởng
Một trong những yếu tố chủ chốt quyết định sự phát triển của ngành thương mại điện tử là khả năng huy động vốn. Mức đầu tư ban đầu cao đối với startup trong lĩnh vực này giúp họ phát triển sản phẩm phù hợp với thị trường và tiếp cận người dùng ở quy mô lớn.
Tiềm năng nền kinh tế Đông Nam Á nói chung và thị trường thương mại điện tử nói riêng đang giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư ở nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, Sea Ltd đã thành lập quỹ đầu tư khổng lồ trị giá 1 tỷ USD dành riêng cho khu vực. Nếu thành công thu hút đầu tư, doanh nghiệp có cơ hội giành được thị phần trong thị trường mua sắm trực tuyến đầy biến động.
Những xu hướng nổi bật của thương mại điện tử hiện nay chỉ ra rằng các startup trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Khu vực vẫn là điểm đến hứa hẹn cho các nhà bán lẻ trực tuyến nhờ nền kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân tăng và xu hướng tiêu dùng thuận lợi.
Khi ASEAN phát triển, kỳ vọng rằng quy mô tổng thể của thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, mở ra nhiều cơ hội đáng kể cho các doanh nhân nhắm đến thị trường bán lẻ trực tuyến. Mặc dù còn nhiều thử thách, nhưng những bài học từ các khu vực khác trên thế giới có thể giúp các công ty tránh được những rủi ro và tận dụng các xu hướng thương mại điện tử ở Đông Nam Á để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
(Theo https://vneconomy.vn/)