Bộ Công Thương | Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Lạng Sơn: Tăng tốc và bứt phá phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

Ngày 4/12/2024, tại Lạng Sơn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá”. Hội thảo tiếp nối chuỗi sự kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và xuyên biên giới . Hội thảo thu hút nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, phát triển nền tảng số, hạ tầng thanh toán điện tử xuyên biên giới trong và ngoài nước tham gia.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đoàn Thanh Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, với những thế mạnh nổi bật về kinh tế cửa khẩu và dịch vụ logistics qua biên giới, tỉnh Lạng Sơn chính là mắt xích quan trọng trong phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tỉnh Lạng Sơn rất hoan nghênh, chào đón và sẵn sàng hỗ trợ các quý doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu và đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp của tỉnh Lạng Sơn về kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử quốc tế và các dịch vụ như logistics, xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng.

Ông Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn

Ông Đoàn Thanh Sơn cũng bày tỏ sự tin tưởng, thông qua Hội thảo “Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá” sẽ giúp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy hiệu quả những lợi thế, tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kênh giao dịch hàng hóa quan trọng, góp phần mở rộng giao thương giữa Việt Nam và các nước

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành kênh giao dịch hàng hóa quan trọng, mở rộng giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước, đóng vai trò thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, giúp nâng cao vị thế của đất nước trên bản đồ kinh tế số thế giới. Theo báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan, thương mại điện tử xuyên biên giới đã tăng trưởng 28,5% so với năm trước.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng dễ dàng tiếp cận với thông tin, nguồn nguyên liệu sản xuất từ thị trường khác, để từ đó năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt ổn định, bền vững hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước cũng có thể mua sắm các sản phẩm, hàng hóa trên khắp thế giới một cách thuận tiện thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế quốc gia mà còn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sự phát triển kinh tế của các địa phương đặc biệt là kinh tế cửa khẩu.

Bà Lê Hoàng Oanh đánh giá, nằm ở vị trí đặc biệt trong mạng lưới giao thương quốc tế, tỉnh Lạng Sơn, với hệ thống cửa khẩu, lối mở, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá phong phú, đa dạng và đã được đầu tư hiện đại được xem như cầu nối quan trọng, giúp hàng hóa Việt Nam từ các tỉnh, thành phố khắp cả nước vươn xa tới thị trường Trung Quốc - Đông Bắc Á. Kinh tế cửa khẩu kết hợp thương mại điện tử giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần phát triển thương mại hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm thương mại điện tử xuyên biên giới trọng điểm trong khu vực.

Chia sẻ về định hướng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho hay, phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới phải hướng đến tính bền vững; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thương mại điện tử xuyên biên giới (Luật Thương mại điện tử, Nghị định quản lý xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử); kết nối khai báo thuế và tăng cường quản lý hàng xuất nhập khẩu thương mại điện tử qua chuyển phát nhanh; tập trung phát triển, tối ưu hóa hệ thống logistics, thanh toán phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới…

Tại Lạng Sơn, thương mại điện tử thời gian qua đã phát triển nhanh. Hiện tại, tỉnh có gần 21.000 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 2 toàn quốc; trên 228.000 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số/hộ gia đình đạt 93%, đứng thứ 3 toàn quốc; trên 72% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử…

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số của doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới trên địa bàn, ông Liễu Anh Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn sẽ triển khai chuyển đổi số toàn diện, phát triển đồng bộ hệ sinh thái số với các nền tảng chung; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Cùng với đó tỉnh tăng cường triển khai các chiến lược phát triển dịch vụ logistics và khai thác, quản lý hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới đã được đầu tư tại các khu vực cửa khẩu; trong đó, tập trung thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh...

Ông Lý Kiến Lương, đại diện Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc trình bày nội dung thương mại điện tử xuyên biên giới tại Hội thảo

Ông Lý Kiến Lương - Tuần thị viên cấp 2, Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới giữa hai nước Trung Quốc - Việt Nam, Quảng Tây đang tích cực thúc đẩy nâng cấp các cửa khẩu, lối thông quan thông suốt.

Hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới của Quảng Tây đã kết nối với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, Sở đã tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi phục vụ cho cả thị trường tuần hoàn kép trong nước và quốc tế, kết hợp với các chính sách ưu đãi của khu vực thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới. Triển vọng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Trung Quốc (Quảng Tây) và Việt Nam khá rộng mở.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số điều phối phiên tọa đàm "Chung tay thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá"

Đại diện các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương của Việt Nam - Trung Quốc và diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Tại hội thảo, một số lãnh đạo, người đứng đầu công ty, đơn vị hàng đầu trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử xuyên biên giới đã chia sẻ về giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra chương trình tọa đàm với nội dung “Chung tay thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá".

Amazon
Alibaba
Google
OSB
Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Ngoại thương Hà Nội
Đại học Thương mại Hà Nội