Thương mại điện tử: Thách thức và cơ hội
Năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt của thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Các xu hướng mới, từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử đến sự đa dạng nền tảng thương mại điện tử tạo ra những cơ hội và cả thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Đánh giá về sự tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam thời gian qua, ông Vũ Bảo Thắng - CEO Meta Ecom cho rằng, TMĐT Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng trong những năm qua, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25%/năm. Đáng chú ý, tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ đã tăng mạnh từ 3% năm 2018 lên khoảng 7% năm 2023. Đặc biệt, đối với khu vực doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, TMĐT đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự khi mở ra kênh phân phối mới với chi phí thấp, không bị giới hạn về địa lý. Các DN có cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng thông qua các sàn TMĐT, đồng thời đẩy nhanh quá trình số hóa từ quản lý đến marketing và bán hàng. Đặc biệt, môi trường số đã tạo điều kiện cho DN nhỏ có thể cạnh tranh được với DN lớn nhờ các nền tảng công nghệ hiện đại.
Về đóng góp cho nền kinh tế, TMĐT đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu GDP theo hướng số hóa, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành logistics với hệ thống kho bãi thông minh và vận chuyển nhanh. Lĩnh vực này cũng tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới trong các lĩnh vực công nghệ, vận hành, chăm sóc khách hàng, đồng thời tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành. Sự phát triển của TMĐT còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong thanh toán điện tử, marketing số và tạo động lực cho phát triển hạ tầng công nghệ, băng thông rộng.
Trong khi đó, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, TMĐT cần nhìn ở 3 góc độ, bao gồm TMĐT, thương mại trực tuyến, thương mại số. Ở Việt Nam, TMĐT đã phát triển tương đối cao và hoàn thiện với những nền tảng mua bán hàng. Điều tôi muốn nói là phương pháp mua bán, kỹ thuật của các nền tảng TMĐT này đã khá tương đồng với các nước. Còn về xu hướng chung TMĐT tiếp tục tăng trưởng, tiêu dùng không chỉ dừng lại ở mua hàng hoá phổ biến mà còn cả những hàng hoá không phổ biến.
Để DN Việt khai thác hiệu quả cơ hội kinh doanh trên các nền tảng TMĐT, ông Vũ Bảo Thắng cho rằng, trước hết cần trang bị những kiến thức nền tảng vững chắc. Điều này bao gồm hiểu biết sâu sắc về chính sách thuế trong TMĐT, quy trình vận hành chuẩn mực, và đặc biệt là nắm bắt bản chất của hoạt động kinh doanh số. DN cần xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, không chạy theo xu hướng ngắn hạn hay các chiêu thức marketing thiếu minh bạch.
Bên cạnh đó, yếu tố then chốt để thành công là khả năng thích nghi nhanh với những thay đổi của thị trường. Các DN cần liên tục cập nhật những xu hướng mới, thay đổi trong chính sách của các nền tảng và đặc biệt là thấu hiểu hành vi người tiêu dùng. Việc xây dựng thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp sẽ là nền tảng để phát triển bền vững trong dài hạn.
Hơn nữa, DN cần chủ động trong việc tuân thủ các quy định mới về thuế, hóa đơn điện tử, bảo vệ người tiêu dùng và các chính sách về vận chuyển, đổi trả. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cách để xây dựng niềm tin với khách hàng và đối tác, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài trong TMĐT.
Còn theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, để đảm bảo hoạt động TMĐT diễn ra một cách minh bạch, công bằng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trước tiên, Bộ Công Thương cần phối hợp với các cơ quan liên quan để ban hành các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Điều này bao gồm việc quy định rõ ràng về các yêu cầu tối thiểu mà các nền tảng TMĐT nước ngoài phải đáp ứng trước khi hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra cần xây dựng một hệ thống giám sát hiệu quả để theo dõi hoạt động của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Hệ thống này có thể bao gồm các chỉ số đánh giá hiệu suất, lượng hàng hóa nhập khẩu và mức độ hài lòng của người tiêu dùng.
Bộ Công Thương nên thực hiện các nghiên cứu định kỳ để đánh giá tác động của các nền tảng TMĐT nước ngoài đến thị trường trong nước, bao gồm cả ảnh hưởng đến DN nội địa và người tiêu dùng; Thiết lập quy trình kiểm tra chất lượng và nguồn gốc hàng hóa trước khi chúng được đưa vào thị trường Việt Nam.
Điều này có thể bao gồm việc yêu cầu các nền tảng TMĐT phải cung cấp chứng nhận về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ. Bộ nên thành lập các đội ngũ kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các cửa khẩu và trung tâm phân phối để đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nên thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng của các quốc gia khác để quản lý hiệu quả hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần xây dựng cơ chế phản ứng nhanh để xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động TMĐT xuyên biên giới, chẳng hạn như các khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hóa không đạt yêu cầu hoặc không rõ nguồn gốc.
Cần có đội ngũ chuyên trách để theo dõi, phân tích và xử lý các tình huống khẩn cấp trong lĩnh vực TMĐT, đảm bảo rằng các vấn đề được giải quyết một cách hiệu quả và kịp thời.
Bộ Công Thương có trách nhiệm rất lớn trong việc quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam, như trường hợp của Temu. Việc thiết lập khung pháp lý rõ ràng, giám sát chặt chẽ hoạt động, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hợp tác quốc tế, và giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh sẽ tạo ra một môi trường TMĐT lành mạnh và bền vững.
Sự chủ động và hiệu quả trong các hoạt động này không chỉ bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện cho các DN nội địa phát triển và cạnh tranh công bằng trong môi trường TMĐT hiện đại.