Bộ Công Thương | Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Kiểm soát thương mại điện tử, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Để thương mại điện tử phát triển đúng hướng và lành mạnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, cũng như tạo cơ hội phát triển thị trường cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, thương mại điện tử đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hạn chế khiến không ít đối tượng lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để trục lợi.

Nguồn gốc, chất lượng hàng hóa được nhiều người tiêu dùng quan tâm thời gian qua. Trên thực tế, thị trường thương mại điện tử vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề thách thức như hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hình thức lừa đảo trực tuyến, buôn bán hàng không có hóa đơn, nhất là hàng xuyên biên giới. Vì kinh doanh online, người bán có thể chào hàng, bán hàng trên nhiều trang mạng điện tử, nhiều nền tảng khác nhau với những cái tên khác nhau và sau khi họ chấm dứt thời gian livestream, người mua chẳng biết họ là ai nữa.

Theo nhận định của Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan như hạn chế trong công tác theo dõi, xử lý các vụ việc nổi cộm có lúc còn bị động, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh thì một nguyên nhân khách quan khác khiến hoạt động thương mại điện tử đang còn nhiều lỗ hổng là bởi loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng nhưng hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có phần chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.

Do đó, để thị trường này phát triển đúng hướng và lành mạnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, nhằm tránh thất thu thuế và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Đề án trên được Chính phủ phê duyệt kỳ vọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp nhằm tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo đảm hoạt động thương mại điện tử được minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Để tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường không gian mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phối hợp các đơn vị bán tên miền và cung cấp dịch vụ máy chủ, ngân hàng, viễn thông, chuyển phát trong việc xác minh đối tượng để kiểm tra và xử lý vi phạm. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ luồng hàng hóa kèm hóa đơn chứng từ theo các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng, cảng biển.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp lý để chủ động kiểm tra, phát hiện vi phạm, công cụ thanh toán, sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng thuộc các bộ, ngành sẽ giúp công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không xác định được nguồn gốc, xuất xứ trên môi trường mạng được hiệu quả hơn.

Cũng theo Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao ý thức tự bảo vệ chính doanh nghiệp của mình, tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, theo dõi, bám sát thị trường, kênh phân phối, địa bàn tiêu thụ nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm để phản ánh, phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền, có các chương trình giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng lựa chọn những nhà cung cấp có uy tín, chất lượng, bảo đảm an toàn; xây dựng, phát huy văn hóa kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh.

Mặc dù các Bộ ngành là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát về thuế, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhưng người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm lành mạnh thị trường thương mại điện tử.

Người tiêu dùng hãy là người tiêu dùng thông minh, sẵn sàng từ chối, không trả tiền nếu như nhận được những sản phẩm không đúng với quảng cáo của cơ sở kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc lấy hóa đơn khi mua sắm, kể cả mua sắm online cũng giúp người tiêu dùng đảm bảo rằng mình mua hàng của ai, ở đâu, như thế nào… làm cơ sở nhờ đến các cơ quan quản lý, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Tin tức khác

Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại điện tử tại các địa phương

Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại điện tử tại các địa phương

Nguồn nhân lực thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam khá trẻ và có khả năng tiếp nhận công nghệ mới nhanh nhạy, có thể khởi nghiệp trên môi trường số... Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho các hoạt động đào tạo nhân lực TMĐT ở Việt Nam.
TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử 2024

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử 2024

Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2024 với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm. Đứng thứ ba trong bảng xếp hạng là Bình Dương với 51,3 điểm và cũng có khoảng cách rất xa so với Hà nội lên tới 33 điểm.
Amazon
Alibaba
Google
OSB
Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Ngoại thương Hà Nội
Đại học Thương mại Hà Nội