Bộ Công Thương | Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Hội thảo “Nâng cao kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới Quảng Ninh 2023”

Nhằm nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chiều ngày 28/7/2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS), Bộ Công Thương phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh và Công ty Công nghệ OSB - Đại lý được uỷ quyền chính thức của sàn TMĐT Alibaba tổ chức Hội thảo “Nâng cao kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới Quảng Ninh 2023”.

Hội thảo tập huấn có sự tham dự của bà Nguyễn Hoài Thương – Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh; ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT, Cục TMĐT&KTS; Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB; Đại diện Công ty Cổ phần giao nhận vận tải quốc tế Lacco; Đại diện Công ty TNHH An Việt Lashing… và đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ phụ trách công tác quản lý phát triển TMĐT trên địa bàn Quảng Ninh.

Bắt kịp xu hướng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Hoài Thương – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là một trong 07 tỉnh/thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm ở vị trí thuận lợi có đường biên giới cả trên bộ, trên biển và trên không với Trung Quốc – một thị trường tiêu thụ hàng hoá rộng lớn đứng đầu thế giới, là “cửa ngõ” của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam và các nước Asean sang Trung Quốc và ra thế giới.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 (do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố): Chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Quảng Ninh đứng thứ 11 cả nước; Doanh số thương mại điện tử B2C ước chiếm 12% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ dân số Quảng Ninh tham gia mua sắm trực tuyến đạt trên 40%; và giá trị giao dịch thương mại điện tử của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.

“Các doanh nghiệp trong tỉnh đã phần nào đó bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh”, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đánh giá. Theo đó, trong 06 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị diễn ra trên thế giới, song kim ngạch xuất khẩu 06 tháng đầu năm của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tăng 12,69% so với cùng kỳ. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của TMĐT.

Theo bà Nguyễn Hoài Thương, tại Hội thảo, các doanh nghiệp Quảng Ninh có cơ hội lắng nghe và học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và xuất khẩu; Những người đã có thành công trong việc áp dụng và phát triển xuất khẩu trực tuyến chia sẻ những kinh nghiệm và chiến lược thành công của họ.

Bà Nguyễn Hoài Thương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị

“Chúng ta sẽ được tiếp cận những thông tin quan trọng về cách tận dụng công nghệ, xây dựng chiến lược tiếp thị, và vượt qua các rào cản pháp lý và hạn chế khác. Chương trình cũng cung cấp cơ hội để chúng ta kết nối và hợp tác với nhau. Qua việc gặp gỡ, trao đổi ý kiến và kết nối, chúng ta có thể tạo ra mạng lưới hợp tác mạnh mẽ, tìm kiếm đối tác tiềm năng và khám phá cách thức hợp tác để cùng nhau phát triển và vươn xa trên thị trường quốc tế”, bà Nguyễn Hoài Thương khẳng định.

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới

Chương trình Hội thảo “Nâng cao kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới Quảng Ninh 2023” tập trung vào các nội dung về: Thực trạng ứng dụng TMĐT trong hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam; Xu hướng TMĐT và xuất nhập khẩu toàn cầu; Cơ hội xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trên Alibaba.com; Quy trình vận chuyển, kinh nghiệm logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu; Hành trình thành công trên Alibaba.com…

Thông qua chương trình sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp xúc tiến, kết nối, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu với thị trường trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử cho biết, TMĐT là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, khu vực Đông Nam Á vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng. “Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra”, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, đồng thời cho biết, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam dự kiến đạt 256,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2026. Theo Lãnh đạo Trung tâm Phát triển TMĐT, để tận dụng những lợi thế của TMĐT xuyên biên giới, nhà xuất khẩu Quảng Ninh có thể tiếp cận cơ hội bán hàng thông qua kênh thông tin vietnamexport.com hoặc công cụ hỗ trợ khai báo CO: Vsign.vn - giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp quản lý và cấp chứng  nhận xuất xứ điện tử.

Đại diện các doanh nghiệp trình bày tham luận tại Hội thảo

Trình bày quan điểm cá nhân về nền tảng Alibaba.com, Đại diện An Việt Lashing cho rằng, Alibaba.com là nền tảng TMĐT B2B – nền tảng kết nối người bán và người mua toàn cầu hiệu quả. Alibaba.com không chỉ là sàn thương mại mua bán thông thường mà còn là nơi kết nối an toàn.

Chia sẻ về hành trình thành công trên Alibaba.com của doanh nghiệp mình, Đại diện An Việt Lashing đã trao đổi cụ thể về cách tìm kiếm và xây dựng tệp khách hàng trung thành từ các kết nối trực tiếp trên nền tảng; đồng thời, chỉ ra các vấn đề thường gặp khi bán hàng trên Alibaba.com… Lưu ý với các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh, Đại diện An Việt Lashing cho rằng, với các vấn đề như “Buyer not reply” (khách hàng không phản hồi lại), “Small order” (Đơn hàng test, đơn hàng mẫu nhiều), hay vấn đề về tỉ lệ chuyển đổi thấp… đều có hướng xử lý rất rõ ràng, cụ thể, là những hiện tượng bình thường. Đại diện An Việt Lashing đề nghị, các doanh nghiệp nên tham gia đầy đủ các lớp đào tạo về nền tảng nghiên cứu thị trường, tham gia các lớp chia sẻ về cách đàm phán với khách hàng để hiểu thêm về cách xử lý các tình huống thường gặp, từ đó, càng có thể phát huy những thế mạnh của TMĐT xuyên biên giới..

Tin tức khác

Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại điện tử

Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về thương mại điện tử

Có thể thấy rằng, hiện nay, hoạt động đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) tại các trường đại học đã bước từ giai đoạn phát triển thiên về quy mô sang giai đoạn thiên về chất lượng.
Amazon
Alibaba
Google
OSB
Hiệp hội TMĐT Việt Nam
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Ngoại thương Hà Nội
Đại học Thương mại Hà Nội